Huỳnh Tâm

Chiến lũy Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam
(Kỳ 9)
“...Đảng CSVN hứa hẹn với đảng CSTQ, ngày nào Việt Nam thống nhất sẽ nhượng lãnh thổ biên giới của Việt Nam cho đảng CSTQ, qui theo tài vật viện trợ (cho vay nợ)..."
Tôi ngả lưng xuống phên tre liền thiếp ngủ không hay biết, đến canh tư ngoài trời nổi cơn mưa dông bão tố, gió thổi hơi nước bay

sương vào nhà lành lạnh, mưa đêm của núi rừng cao nguyên Bắc Việt quá rét. Được biết, mỗi khi mưa không thể suy chừng thời gian tạnh mưa, tuy chưa đến Đông mà vung trời đêm nay đã đem theo 15 ngày một khí và 5 ngày một hậu (khí-hậu), cứ thế thiên nhiên khắc nghiệt với làng người Việt tị nạn tại biên giới núi rừng cao tận chân trời.

Từ lúc này, tôi không thể nào tiếp tục ngủ, cả thân người nằm co ro lại để chống lạnh, đôi chân tréo vào nhau, và đôi tay chà xát lấy nhiệt của chính mình tạo ra sức ấm. Gần một tháng hành trình tại biên giới Bắc-Tây đất Việt, tôi đã thấm sương gối gói khá nhiều nhưng không bằng đêm nay khí hậu lạnh lẽo của miền sơn cước Việt Bắc. Tôi tiếp cận làng người Việt tị nạn, thấy được đời sống của dân làng đồng cảnh ngộ như nhau, nay mới biết giá trị sống của họ thầm kín trong mảnh phên tre, tuy mỏng manh nhưng lòng tràn đầy sức sống.
Lúc này, thân thể của tôi thấm lạnh từng cơn mưa gió nặng nề, hy vọng bão tố sẽ qua mau, tôi đã biết sợ lạnh giá quái dị của miền Việt Bắc, âu cũng còn phên tre che chở kiếp nhân sinh. Suy nghĩ cho cùng biết bao người Việt tị nạn cùng chịu thiên nhiên thử thách và chấp nhận đời hèn tại ải địa đầu Tổ quốc, quả nhiên phên tre ở đây có giá trị của nó, thay cho giường lèo, trên chăn dưới nệm, gối êm.
Lạnh quá tôi cất mình lên, vung vẩy đôi tay khởi động cơ thể, thấy mọi người đã thức giấc. Bảy giờ sáng ngoài trời vẫn còn tối, mưa gió càng mạnh hơn, nhìn ra trước sân thấy đất bùn đỏ pha lẫn với nước lũ, cuồng cuộn như một thác nước đổ từ cao xuống.
Anh, Trương Hoán Tùng từ nhà dưới bưng lên một khay trà nóng, chào hỏi xã giao:
─ Chào buổi sáng, quý bạn ngủ có thẳng giấc không?
Nhất Biến đáp:
─ Ngủ được vài giờ tạm đủ lắm rồi, nếu muốn ngủ thêm cũng không được, vì anh Tùng có ý không đẹp, nỡ nào gọi trời mưa để đánh thức chúng tôi dậy, bây giờ xin anh xuất vài chưởng làm phép, gọi trời dừng lại mưa gió đi chớ ?
Mọi người đồng cười, anh Tùng đáp:
─ Quý bạn an tâm, tôi đã xuất sự vụ lệnh, kỳ hạn không quá 1 tháng ông thiên lôi (Đặng Tiểu Bình) phải rút binh (17/02‒16/03/1979), thu lại sấm sét (đạn pháo), dừng mưa tức khắc (đình chiến), cái oai bão tố (biển người) không còn hiệu nghiệm đối với thời nay.
Mọi người hiểu được ý của anh Tùng đồng cười, Nhất Biến nói:
─ Anh có lối pha trò rất hay, mượn mưa gió diễn tả cuộc chiến, đúng là trong ngôn ngữ Việt Nam của mình, có chất văn chương trào phúng. Nếu có vài thằng điệp báo Trung Quốc mà nghe được lời nói của anh cũng đành chịu thua. Quý anh xem kìa, quả thực ngoài trời đã đình chiến, anh Tùng đúng là một vị thần linh của Tây Hành làng.
Sau khi nghe Nhất Biến nói, đồng loạt tiếng cười và vỗ tay rộn rã, tuy ồn ào lớn tiếng mà không bay ra ngoài nhà, bởi sau cơn mưa, sương mù dày đặc khắp mọi nơi, ngay trong nhà cũng có sương mù phảng phất như sợi khói thuốc lá.
Nhà của anh Tùng đủ tiêu biểu đời sống trong làng tị nạn. Người ta thường gọi cái nhà để chỉ quyền sở hữu hay mái ấm gia đình, thực ra nhà của người Việt tị nạn không khác nào một lồng chim, bởi dựng nhà bằng vật liệu rừng, cây tạp làm sườn nhà, tre và nứa làm phên bốn vách, bên ngoài trét đất trộn với cỏ mây, mái lợp tranh, cửa nẻo phên tre, gọi là nhà nhưng rất xệch xạc, đối với nhà tranh vách đất của người dân biên giới trước ngày 17/02/1979 hay nông thôn bình thường thì khác xa, vì ít nhất cũng có kèo, cột, ruôi, mè, mái ngói hay mái tranh, và có cả phân chuồng thay cho vật liệu xi-măng, nhà trở nên ấm áp hơn nhờ kín gió, bởi thế tục ngữ phong giao còn đề phòng "Tai vách, mạch rừng".
Trước đây nhà nước Trung Quốc chỉ cấp vải ni-lông theo đầu người tị nạn để làm lều, mỗi người nhận được 4x3m², chỉ thế thôi làm sao đủ che nắng, tránh mưa, sương gió cho một người, vì thế người dân tự túc làm nhà tạm dung thân, vải ni-lông biến thành áo mưa hay tấm chăn thay cho mền bông, mền len.
Tám năm trôi qua (1979-1987) người Việt tị nạn sống lam lũ tại lâm trường và nông trường với sức người có hạn, đến lúc trăm người như một, mang bệnh rét rừng từ nhẹ đến kinh niên, và nhiều thứ bệnh khác khó trị, thấy nhiều đồng hương như xác biết đi, do thiếu mọi nhu cầu để sinh tồn. Sở dĩ người dân thiểu số miền cao nguyên bị diệt chủng cũng vì thiếu mọi phương tiện sống. Nay làng người Việt tị nạn cũng không tránh khỏi bi kịch mất môi trường sinh tồn. Tôi đã thấy mộ bia ngoài nghĩa trang xấp xỉ dân số trong làng!
Anh Tùng mời:
─ Xin quý bạn dùng trà và điểm tâm sáng, đây là cây nhà lá vườn của gia đình bạn Cao Dũng mời.

Mọi người người ngơ ngác không biết Cao Dũng là ai mà tốt bụng như thế, anh Hứa Bông Linh đưa tay lên chỉ vào mặt anh Tùng, liền hỏi:
─ Có phải buổi điểm tâm sáng nay là của tham nhũng phải không, thưa ông Tây Hành Làng chúng tôi khó chấp nhận loại quà cáp kiểu này ?
Tôi tự hiểu đêm hôm qua anh Tùng báo cho anh Dũng và chị Chỉ Hồng biết Tâm có mặt tại làng và cùng đi với 3 người bạn, cho nên chị Chỉ Hồng làm điểm tâm cho mọi người, anh Tùng đính chính:
─ Này, Bông Linh chưa biết đầu đuôi câu chuyện mà đã chụp mũ cho tôi là loại người tham nhũng, thú thực điểm tâm sáng nay do chị của chú Tâm làm tổng khậu từ đầu đêm qua, và đích thân tôi mang về, sáng nay hâm lại cho nóng để quý bạn dùng, thế mà tên Bông Linh không biết mô tê đã phán tội cho tôi rồi, bởi vậy chiêm tinh gia nói: "Bông Linh trước sau gì cũng chết ở biên giới".
Anh Bông Linh đáp:
─ Đương nhiên làm người có sống thì phải có chết, riêng tôi chết ở biên giới còn anh chết ở đâu, hì hì…?
Tôi vỗ tay nói:
─ Nào, chúng ta xáp vào trận chiến cho sạch buổi điểm tâm, trà dâng ta uống hà hà… quý anh thì đương nhiên có mua hậu sự tại nghĩa trang biên giới rồi, vì tính cố chấp không chịu quì lạy đảng CSVN cho nên đành chết ở đây.
Tiếp theo câu nói của tôi, anh Như Bá bồi thêm cho đậm ý:
─ Tâm nói chỉ một phần đúng, nhưng anh em chúng tôi ít nhất cũng chết trên phần đất quê hương mình, hì hì ...cả ba, anh Tùng, Linh, Bá đồng cười như một giao kết huynh đệ Vườn Đào.

Trong buổi điểm tâm, tôi nghe mọi người nói nhiều vấn đề, từ tình cảm huynh đệ chi giao cho đến chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Có hai người nói chuyện tôi cần phải để ý.
Theo như anh Trương Hoán Tùng cho biết:
─ Hiện tại biên giới VN-TQ, từ Đông qua Tây có 237 người Hoa đỏ, trước 1975 theo MTGPMN, họ là đồng chí và huynh đệ chi binh với ông Bộ trưởng Trương Như Tảng. Nếu như chú Tâm chứng minh đúng là người thân của ông Trương Như Tảng thì anh em trong khối ngưới Hoa đỏ sẽ tiếp đón và nhận chú Tâm như người một nhà".
Tôi nghĩ trong lòng:
─ Lời anh Tùng nói như thế, chứng tỏ mình đã có cái chìa khóa sẽ mỡ được 234 cánh cửa còn lại, nhất định phải tạo ra một hành trình lâu dài từ Tây qua Đông, mới nhận diện được chiến lũy vòng 1 mà nay thuộc về Trung Quốc và những làng người Việt tị nạn trong tương lai họ sẽ sống thế nào v.v… Tôi suy nghĩ quá nhiều về thân phận người Việt tị nạn, một hồi lâu tôi mới trở về lời nói chưa kết thúc:
─ Thưa quý anh, anh Ba Tảng từ giả đảng CSVN, vài ngày sau đó lập tức vượt biên, hiện đang sống ở Paris và có viết một cuốn sách tựa đề (Mémoire d’un Viet Cong - Tự thuật một tên VC) nội dung nói lên nỗi lòng hy sinh vì đất nước, nhưng bị CSVN lừa gạt, ông thất vọng vượt biên để bảo vệ sống còn, có lần anh Ba Tảng nói với tôi: "Thà chết ngoài khơi biển cả, không thể bỏ lương tâm người trí thức, nhắm mắt làm quan tặc đảng CSVN".
Các anh Tùng, Linh, Bá, Nhất Biến sau khi nghe tôi nói về anh Ba Tảng, người nào cũng xúc động, vì họ biết anh Ba Tảng là người lương thiện, họ hy vọng đọc được cuốn sách nói về tâm trạng chung của những người đã một thời lầm lỡ bị đảng CSVN cướp mất tuổi thanh xuân.

Tiếp theo anh Nhất Biến nói về chế độ đảng CSVN và TQ, cộng đồng người Việt tịn nạn, và chiến tranh biên giới, có tính sự kiện:
─ Người CS hai mặt, sau khi cướp chính quyền, từ chối tổ quốc Việt Nam, họ sống chỉ biết no bao tử nhờ bảo vệ đảng, chưa hề suy nghĩ để no cái đầu, kiến thức hạn hẹp, hung hăng tàn nhẫn với người dân. CSVN chấp nhận làm tôi tớ ngoại lai, và sợ mất đảng đành dâng tổ quốc cho Trung Quốc để cúi đầu làm chư hầu, đối xử với nhân dân như cỏ rác, tung hoành tham nhũng, về bản năng quáng gà của người CSVN, tuy mắt sáng lòng đen tối, bởi vậy đảng CSVN đã mù loà không cần biết tương lai dân tộc Việt Nam, chế độ này bán đất biên giới và cả biển Đông cho ngoại bang mà không đoái hoài gì đến người dân, đừng hy vọng đảng CSVN trở thành lương thiện!
Bản đồ trên được in trong cuốn “Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại, xuất bản tại Bắc Kinh năm 1954 (现代中国简史)
Nguyên chủ thuyết CS chỉ biết suy luận mộng tưởng không hề để ý hậu quả gây ra tội ác cho người dân. CS là một ký sinh trùng, chôn dấu bộ mặt thực lừa đảo, cạo sửa quá khứ núp vào bóng tối chờ dịp cướp của người. Cũng có những kẻ ngây ngô nhẹ dạ như chúng tôi dấn thân vào đảng CSVN, hy vọng phụng sự xã hội và dân tộc, không ngờ bây giờ tuổi thanh xuân đưa đến lầm lỡ và hối hận một đời người muộn màng, bởi thế quá khứ của chúng tôi như một bệnh ung thư, dù suy nghĩ hoài, ước mong hướng đến tương lai nhưng không bao giờ tới, nay còn sống chỉ là hiện hữu của lớp áo, phần còn lại một nỗi buồn chết đem theo. Bi quan lắm phải không quý anh ?

À, mỗi khi tôi có dịp trao đổi với những tuổi trẻ trong làng tị nạn, thường nghe họ suy nghĩ sớm hiểu biết, họ đã nhận diện được chân trời phải đến. Bởi họ suy tư nhiều hơn về xã hội bên ngoài làng, họ có những khát vọng mới, lúc nào cũng thao thức, dù rằng bị mắc kẹt trong "lồng chim" vẫn chuẩn bị vươn đôi cánh, bỏ lại vùng đất núi rừng hoang vu.
Trung Quốc cho vẽ bản đồ chú thích chư hầu Việt Nam. Nguồn: Nhất Biến
Trái lại cũng có những trường hợp vươn mình không cao, đành tìm một lối khác để tạm biệt lồng chim, như ông Giám đốc trang trại Bảo-Chăng Ma cho biết:

─ Tháng trước trong nông trại có 20 cô dâu Việt lên xe hoa bay ra khỏi "lồng chim", lấy chồng Hán để có thẻ nhận diện ID, từ đó giới phụ nữ biến mất chỉ để lại "lồng chim" toàn là giống Cồ, Nam giới tị nạn vốn không có tiền, không dám suy nghĩ tình yêu đôi lứa, dù một hạnh phúc nhỏ nhất, tuy có mơ ước cũng không bao giờ thành!

Trong cộng đồng tị nạn có một xu hướng mới, nơi các cô dâu Việt trong "lồng chim" muốn bay xa, và còn những xót xa khác, thanh niên trong làng thường nói:

─ Làm trai chỉ có "Ba không": Không tổ quốc, Không công dân, dân số Không.

Và con cái của họ sau khi sinh cũng là một người tị nạn, phải nói là "Bốn không" con số không cứ thế nhân lên trong "lòng chim" của đời tị nạn tại biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Điều này cho thấy cuộc hôn nhân xuyên biên giới và văn hóa sẽ gây ra phức tạp hậu hôn nhân, hiện tại những cuộc hôn nhân thế này chỉ xuất hiện tại biên giới Trung Quốc-Việt Nam, và không có vùng đệm. Có lần ông quản trị thị trấn Jinkui Xu cách làng 15km nói rằng:
─ Ngày nay những cô dâu Việt đi xa, bởi cô dâu cần mượn một tấm phên tre để qua sông, hạnh phúc này khó ăn đời ở kiếp, nó sẽ tan nhanh như bong bóng xà phòng, và mai sau cô dâu Việt sẽ trở lại làng tị nạn, bởi nơi đồng hương của họ có cách sống văn hóa riêng.

Nhân đây tôi nói về tàu hỏa để anh Viên Dung biết. Hầu như trên tàu hoả nào cũng gặp bọn ăn cắp hành lý, và bọn điệp báo viên, tôi không thể tưởng tượng xã hội Trung Hoa lấy Khổng Tử làm cơ sở giáo dục đã đến trình độ người nhỏ ăn cắp nhỏ, người lớn ăn cướp lớn, riêng lãng đạo nhà nước ăn cướp chuyên nghiệp, họ chỉ hút máu nhân dân, hình như đảng CS Trung Quốc là loài quỷ mang xác người. Đã mấy lần tôi đi trên tàu hỏa gặp đồng hương Việt Nam mình cho biết: "Dù sống khổ sở nằm trong sương gió, nhưng phải nheo mắt như ngủ, cẩn thận đề phòng kẻ cắp, bọn Trung Quốc ăn cắp, như mình ăn cơm vậy".

Chúng ta cũng nên chú ý về cuộc chiến (phản công tự vệ) do Đặng Tiểu Bình phát động chiến tranh vào lãnh thổ Việt Nam.

Đặng Tiểu Bình chuẩn bị cuộc chiến (phản công tự vệ) chỉ thị kéo xuống bản đồ cũ, vẽ lại biên giới mới theo ý đồ bành trướng Bắc Kinh.
Mùa Xuân, ngày Ất Mão (21) tháng Giêng (01) năm Kỷ Mùi (1979 AL) Giặc đã tràn đến biên giới Việt Nam, vào buổi sáng lúc 6 giờ 30 phút, ngày 17/02/1979 DL. Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc cho đến hôm nay, người ta gọi đây là cuộc chiến Đông Dương lần thứ 3, đã 8 năm vẫn còn chiến tranh liên miên (1979-1987).

Phải nói ý đồ Bắc Kinh có ba bộ mặt. Khao khát tài nguyên và kinh tế, bành trướng để có được biên giới chiến lược, và buộc lân bang chư hầu thần phục. Tham vọng Bắc Kinh không còn cách nào hơn, bằng phương tiện chiến tranh với 14 quốc gia lân bang cùng biên giới. Đặc biệt Việt Nam và Trung Quốc đồng theo chế độ đảng trị, cùng học một ông thầy Karl Marx Cộng Sản, đã từng tuyên bố "Môi hở răng lạnh" xã hội chủ nghĩa Quốc tế huynh đệ hòa đồng.

Thế nhưng đúng 6 giờ 30 sáng, ngày 17/02/1979 Trung Quốc xua quân tiến vào biên giới của Việt Nam với danh nghĩa "Phản công tự vệ", Bắc Kinh không ngại ngùng mở cuộc chiến tranh với Việt Nam, dù để lại vết oan cừu trên lưng dân Việt hay lịch sử Việt ghi vào bia đá, cho rằng kẻ cướp biên giới Việt Nam là Bắc Kinh. Họ sẽ chứng minh nguyên nhân chính đáng từ những thập niên 1945 cho đến 1979. CSVN chấp nhận viện trợ của đảng CSTQ để rồi làm chư hầu "Cõng rắn cắn gà nhà". Tuy nhiên lịch sử thay đổi Bắc Kinh thừa thời cơ Việt Nam nhu nhược, xua quân vào đòi cái nợ hai cuộc chiến tranh Đông Dương mà đảng CSVN đã vay nợ. Đến năm 1975, Bắc Kinh đưa ra một hóa đơn, thống kê tài vật viện trợ cho người anh em cùng đảng CS, mỗi viên đạn nhỏ cho đến đại pháo, xe tăng, máy bay, tàu thủy… và công cán của cố vấn đảng CS Trung Quốc trong chiến dịch cải cách ruộng đất miền Bắc và cố vấn chiến tranh cho đến ngày 30/04/1975. Theo tư liệu của Quân ủy trung ương Trung Quốc: "Đảng CSVN hứa hẹn với đảng CSTQ, ngày nào Việt Nam thống nhất sẽ nhượng lãnh thổ biên giới của Việt Nam cho đảng CSTQ, qui theo tài vật viện trợ (cho vay nợ)".

Chúng ta cũng nên nhìn vào góc cạnh ngày xưa, khi ấy thế giới 5 Châu, chưa có phương tiện giao tiếp bên ngoài. Việt Nam là một quốc gia lân bang với Trung Quốc cùng sinh tồn trong một thế giới sơ khai, chỉ biết cõi đời này có hai quốc gia, riêng Ông Cha của chúng ta ở Phương Nam đã biết dựng nước, giữ nước, chống xâm lăng và xử thế với lân bang qua chiến lược và chiến thuật "mềm-cứng" đối với người phương Bắc.

Còn thế giới ngày nay một thoáng qua con người từ Việt Nam đã di chuyển khắp 5 Châu chỉ một ngày, như vậy Việt Nam đã ở gần 199 quốc gia, không riêng gì một Trung Quốc, nếu Việt Nam là một quốc gia "Dân Chủ Đa Nguyên" đương nhiên 199 quốc gia bạn sẽ đứng lên cản trở kẻ cướp, nhất là thời đại Liên Hiệp Quốc, một cơ quan quốc tế chuyên hỗ trợ nhân loại cô thế. Ngặt thay Việt Nam đóng kín cửa giao lưu với thế giới bên ngoài, nhưng lại chấp nhận chứa đồng đảng CS Trung Quốc, nguyên kẻ cướp bao đời đáng ngại nhất của dân tộc Việt Nam.

Thế là năm 1979, đảng CSVN khuyến khích Bắc Kinh xua quân viếng thăm nhà mình, dĩ nhiên kẻ cướp chỉ ngồi chờ mở cửa, tiếp theo kẻ cướp quyết định ra tay hành động "3 sạch". Sạch vật chất, Sạch người, Sạch biên giới. Cuối cùng Trung Quốc tặng cho Việt Nam 6 tỉnh biên giới bình địa!

Và thế giới vang động tiếng cười rằng:

─ Đồng đảng CSVN-TQ, như mèo vờn chuột tại biên giới đó là chuyện nội bộ của hai đảng.
Cho nên 199 quốc gia không phản ứng, và chính đảng CSVN tự ý đặt mình vào cô thế, trong nhu nhược nói không nên lời dù đứng trước Liên Hiệp Quốc cũng phải sợ hãi Trung Quốc!

Cho nên đảng CSVN thường giải dịch mọi vấn đề chủ quyền quốc gia trái với lương tâm nhân loại. Ngày nay người ta thường nói đến chiến lược "Mềm", có nghĩa là một quốc gia đối nội ngoại "cương nhu" mà Ông Cha ta đã áp dụng xưa nay, thế mà nhà nước của cái đảng CSVN mơ hồ chữ "Mềm" hoá ra nhu nhược đối với Trung Quốc . "Mềm" còn có tính hỗ trợ yếu kém. Cũng có thể đảng CSVN dùng "Mềm" để bắc thang cho Trung Quốc tiếp tục xâm lược. Nếu nói rõ hơn là bán nước bằng đồng tiền Trung Quốc viện trợ, vay mượn một chữ "Mềm" để biện hộ cho sự sống còn của cá nhân đảng CSVN, không cần biết dân tộc Việt Nam còn lại bao ngày tháng độc lập, đảng CSVN làm chư hầu cho đảng CS Trung Quốc đó là điều hiển nhiên, riêng Nhất Biến này hy vọng toàn nhân dân Việt Nam không nên ăn theo đảng CSVN để rồi làm chư hầu theo kiểu hiện đại hoá của Trung Quốc.

Tổ quốc của Ông Cha ta đã mất quá nhiều, nào là biển Đông có quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, và một chiến lũy rừng núi thiên nhiên, tạo thành ải địa đầu quan trọng nhất tại biên giới, từ Đông-Bắc qua Tây-Bắc của Việt Nam, nay bị Bắc Kinh xua quân chiếm đoạt vào ngày 17/02/1979. Gần đây nhất đảng CSVN âm thầm thừa nhận bản đồ biên giới đất liền và đường đứt khúc 9 đoạn biển Đông thuộc về Trung Quốc!
Huỳnh Tâm
Paris 09/05/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét